Vì sao khu kinh tế Vân Phong trở thành nơi chọn mặt gửi vàng của đô thị hơn 11.000ha?

Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế đa ngành, sở hữu vịnh nước sâu kín gió, nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển, khu đô thị, du lịch…

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn và Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông của Khu kinh tế Vân Phong.

Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn gồm khu vực đất liền khoảng 4.445ha, vùng mặt nước biển khoảng 3.831ha.

Còn khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông có tổng diện tích khoảng 6.631ha. Phân khu này bao gồm khu vực đất liền khoảng 5.386ha, vùng mặt nước biển khoảng 1.245ha.

Nhờ sở hữu nhiều lợi thế nổi trội, khu kinh tế Vân Phong không chỉ hút được hai khu đô thị 11.000ha mà hàng loạt ông lớn tên tuổi cũng tranh nhau săn đất vàng tại đây.

Khu kinh tế Vân Phong được quy hoạch rộng 150.000ha đã thu hút hơn 150 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 4,1 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt khoảng 65%. Khu vực phía bắc thuộc địa phận huyện Vạn Ninh còn trầm lắng thì khu vực phía Nam thuộc thị xã Ninh Hòa khá sôi động với các dự án công nghiệp đóng tàu, kho xăng dầu, nhà máy nhiệt điện có quy mô rất lớn.

Điểm sáng tại đây là Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam. Từ khi chuyển sang đóng tàu mới vào năm 2008, đến nay, Nhà máy đã giao hơn 150 tàu hàng, công suất từ 35.000-110.000 tấn/tàu, tổng doanh thu gần 5 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong

Vào tháng 2/2023, hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng cũng đã thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Việc điều chỉnh quy hoạch là cơ sở quan trọng để tỉnh Khánh Hòa kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong. Đã có 13 Tập đoàn, Tổng Công ty đề xuất đầu tư các dự án tại khu kinh tế này.

Cụ thể, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã làm việc với 8 nhà đầu tư đề xuất dự án tại khu vực Nam Vân Phong và các khu công nghiệp như CTCP Dầu khí Đông Phương, Công ty Stanvian hóa chất, Công ty Stavian Land, CTCP Trung Nam về dự án hóa dầu, năng lượng, công nghiệp…

Các CTCP Sonadezi, Tổng Công ty Becamex IDC, Công ty CP SSI, CTCP Sinnec và CTCP Trung Nam sẽ làm việc về các dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp. Riêng Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ làm việc về đầu tư xây dựng cảng biển.

Ngoài ra, tại khu vực Bắc Vân Phong, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ làm việc với 5 doanh nghiệp gồm Tập đoàn Novaland và CTCP Đầu tư Đất Tâm, CTCP FPT, CTCP Flamingo Holding Group về các dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch. Riêng Tập đoàn Sungroup sẽ làm việc liên quan đến các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sân bay, cảng biển…

Các nhà đầu tư có trách nhiệm giới thiệu tổng quan dự án, quy mô dự án, quy mô sử dụng đất, dự kiến tổng vốn dự án. Sơ bộ đánh giá về tác động, ảnh hưởng môi trường của dự án; hiệu quả kinh tế xã hội của dự án (giải quyết bao nhiêu việc làm, dự kiến đóng góp thuế, mức thu nhập người lao động)...

Đến năm 2040, Khu Kinh tế Vân Phong sẽ có sân bay, sân golf, casino,…

Đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, trong đó có sân bay, sân golf, casino,…

Phó Thủ tướng Chính phủ Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định trên, Khu Kinh tế Vân Phong có diện tích khoảng 150.000ha, trong đó phần mặt nước khoảng 80.000ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000ha.

Phạm vi bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã: Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Đại Lãnh, Vạn Phước, Vạn Bình, Vạn Long, Vạn Khánh, Vạn Thắng, Vạn Phú, Vạn Lương, Vạn Hưng và thị trấn Vạn Giã thuộc huyện Vạn Ninh; các phường: Ninh Hiệp, Ninh Giang, Ninh Đa, Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải và các xã: Ninh An, Ninh Thọ, Ninh Phước thuộc thị xã Ninh Hòa.

Khu Kinh tế Vân Phong là Khu Kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng, có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.

Đây là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp, có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Khu Kinh tế Vân Phong còn là khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.

Theo quy hoạch, các khu phát triển dịch vụ, du lịch với các loại hình du lịch sinh thái – vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino, công viên chuyên đề, triển lãm du thuyền quốc tế kết hợp các hoạt động tham quan, trải nghiệm… có tổng diện tích đất khoảng 2.613ha tập trung chủ yếu tại khu vực Hòn Lớn, bán đảo Hòn Gốm, Đại Lãnh khoảng 2.027ha và khu vực Dốc Lết khoảng 200ha, các khu vực khác khoảng 386ha.

Khu vực dự kiến phát triển cảng hàng không khoảng 500ha tại Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh.

Các khu vực phát triển sân golf được bố trí tại đảo Hòn Lớn, khu Đầm Môn, khu vực Tuần Lễ – Hòn Ngang. Khu vực phát triển sân golf đến năm 2030 tại Đầm Môn có diện tích 176ha. Các khu vực sân golf khác có tổng diện tích khoảng 479ha.

Cũng theo quy hoạch, tại Khu kinh tế Vân Phong sẽ phát triển phát triển dân cư đô thị có tổng diện tích khoảng 5.396ha tại các khu vực: Đầm Môn, Cổ Mã – Tu Bông, Vạn Giã và vùng phụ cận, Đông – Bắc Ninh Hòa, Đông – Nam Ninh Hòa.

Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, đi đôi với việc được UBND tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh phát triển, nên Khu kinh tế Vân Phong đã và đang sở hữu nhiều lợi thế vững mạnh về kinh tế, mang lại nguồn lợi lớn cho các nhà đầu tư.

Theo Kiến Thức Đầu Tư

0916 427 428